Chính phủ Đệ Nhị Cộng hòa (Việt Nam Cộng hòa)

Loạt bài
Lịch sử Việt Nam Cộng hòa
Đệ Nhất Cộng hòa (1955-63)
   Thi hành Hiệp định Genève (1955-56)
   Trưng cầu 1955 (1955-56)
   Cải cách điền địa lần 1 (1955-63)
   Tố Cộng diệt Cộng (1955-63)
   Hiến pháp Đệ Nhất Cộng hòa (1956)
   Phong trào Cách mạng Quốc gia (1958-63)
   Đạo luật 10-59 (1959)
   Đảo chính 1960 (1960)
   Tuyển cử 1961 (1960-61)
   Chương trình Ấp chiến lược (1961-63)
   Biến cố Phật giáo (1963)
   Đảo chính 1963 (1963)
Thời kỳ quân quản (1963-67)
   Hội đồng Quân nhân Cách mạng (1963-64)
   Thượng Hội đồng Quốc gia (1964)
   Hội đồng Quân lực (1964-65)
   Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia (1965-67)
Đệ Nhị Cộng hòa (1967-75)
   Chiến tranh cục bộ (1967-68)
   Hiến pháp Đệ Nhị Cộng hòa (1967)
   Tuyển cử 1967 (1966-67)
   Chiến dịch Mậu Thân (1968)
   Việt Nam hóa chiến tranh (1968-73)
   Cải cách điền địa lần 2 (1969-73)
   Tuyển cử 1971 (1970-71)
   Thi hành Hiệp định Paris (1973-74)
   Chiến dịch Mùa Xuân 1975 (1974-75)

Xem thêm

sửa
Bản đồ hành chính Việt Nam Cộng hòa năm 1967 thời Đệ Nhị Cộng hòa

Chính phủ Đệ Nhị Cộng hòa tiếp thu chính quyền từ Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia do các tướng lãnh Nguyễn Cao KỳNguyễn Văn Thiệu điều hành trong thời kỳ quân quản giữa nền Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng hòa.

Hành chánh Trung ương

Lập pháp

Chiếu theo Hiến pháp thì lập pháp có Quốc hội lưỡng viện: Thượng viện có 30-60 nghị sĩ nhiệm kỳ 6 năm bầu theo liên danh lấy toàn quốc làm đơn vị độc nhất. Hạ viện có 100 đến 200 dân biểu nhiệm kỳ 4 năm bầu theo cá nhân căn cứ theo từng tỉnh.[1] Chiếu theo Hiến pháp thì Hạ viện phải có 6 ghế dành cho người Việt gốc Miên, 6 người Thượng, 2 người Chàm, và 2 người thuộc dân tộc thiểu số miền núi Bắc Việt di cư vào Nam.[2]

Khóa đầu tiên Thượng viện năm 1967-1973 có 6 liên danh; mỗi liên danh là 10 người, tổng cộng là 60 nghị sĩ. Nguyễn Văn Huyền được bầu làm Chủ tịch Thượng viện.[1]

Khóa đầu tiên Hạ viện năm 1967-1971 có 137 dân biểu; Nguyễn Bá Lương trúng tuyển làm Chủ tịch Hạ viện.[1] Năm 1971 số dân biểu tăng lên thành 159; mỗi dân biểu đại diện khoảng 50.000 cử tri.[3] Trong Quốc hội vào thời điểm năm 1974 thì Thượng viện có 41 nghị sĩ thân chính phủ, 19 nghị sĩ đối lập; Hạ viện có 84 dân biểu thân chính phủ, 59 đối lập và 16 độc lập.[3]

Hành pháp

Hành pháp bầu theo liên danh 2 người với nhiệm kỳ 4 năm, một người làm tổng thống và người kia phó tổng thống. Trong cuộc bầu cử năm 1967, liên danh Nguyễn Văn ThiệuNguyễn Cao Kỳ đắc cử với 34,8% số phiếu.[4] Tuy nhiên nếu tính riêng Thủ đô Sài Gòn thì liên danh Trần Văn Hương - Mai Thọ Truyền nhiều phiếu nhất (151.102). Nhì là Nguyễn Văn Thiệu - Nguyễn Cao Kỳ (148.933) rồi Trương Đình Dzu - Trần Văn Chiêu (83.374).[5]Tổng thống chỉ định Thủ tướng và Thủ tướng đệ trình danh sách Nội các để điều hành chính phủ. Nội các đầu tiên do Thủ tướng Nguyễn Văn Lộc nhậm chức ngày 9 tháng 11 năm 1967.

Thành phần chính phủ 1967-1968
Chức vụTên
Thủ tướngLuật sư Nguyễn Văn Lộc
Tổng trưởng Ngoại giaoBác sĩ Trần Văn Đỗ
Tổng trưởng Quốc phòngTrung tướng Nguyễn Văn Vỹ
Tổng trưởng Nội vụTrung tướng Linh Quang Viên
Tổng trưởng Xây dựng Nông thônTrung tướng Nguyễn Đức Thắng
Tổng trưởng Tài chánhLưu Văn Tính
Tổng trưởng Kinh tếTrương Thái Tôn
Tổng trưởng Văn hóa Giáo dụcGiáo sư Tăng Kim Đông
Tổng trưởng Canh nông và Điền địaTôn Thất Trình
Tổng trưởng Chiêu hồiNguyễn Xuân Phong
Tổng trưởng Giao thông và Vận tảiLương Thế Siêu
Tổng trưởng Công chánhBửu Đôn
Tổng trưởng Y tếBác sĩ Trần Lữ Y
Tổng trưởng Xã hội và Tỵ nạnBác sĩ Nguyễn Phúc Quế
Tổng trưởng Cựu Chiến binhBác sĩ Nguyễn Tấn Hồng
Tổng trưởng Lao độngGiáo sư Phó Bá Long
Tổng trưởng Phát triển Sắc tộcPaul Nur
Tồng trưởng Tư phápHuỳnh Đức Bửu

Sau Sự kiện Tết Mậu Thân, Thủ tướng Nguyễn văn Lộc bị chỉ trích và ép từ nhiệm. Người được bổ lên thay là Thủ tướng Trần Văn Hương, nhậm chức ngày 28 tháng 5 năm 1968 nhưng đến 1 tháng 9 năm 1969 thì nội các của ông bị giải tán.[6] Nội các thứ ba là của Thủ tướng Trần Thiện Khiêm điều khiển chính phủ gần 6 năm (1969-75) cho gần đến khi nền Đệ Nhị Cộng hòa chấm dứt.

Thành phần chính phủ 1969-1975
Chức vụTên
Thủ tướng
kiêm Tổng trưởng Nội vụ
Đại tướng Trần Thiện Khiêm
Phó Thủ tướng
kiêm Tổng trưởng Giáo dục
Bác sĩ Nguyễn Lưu Viên
Tổng trưởng Ngoại giaoDược sĩ Trần Văn Lắm
Tổng trưởng Quốc phòngTrung tướng Nguyễn Văn Vỹ
Tổng trưởng Thông tinLuật sư Ngô Khắc Tỉnh
Tổng trưởng Xây dựng Nông thônThiếu tướng Trần Thanh Phong
Tổng trưởng Tài chánhNguyễn Bích Huệ
Tổng trưởng Kinh tếPhạm Kim Ngọc (từ 1971 là Nguyễn Đức Cường)
Tổng trưởng Văn hóa Giáo dụcGiáo sư Tăng Kim Đông
Tổng trưởng Cải cách Canh nông và Ngư nghiệpCao Văn Thân
Tổng trưởng Chiêu hồiBác sĩ Hồ Văn Châm
Tổng trưởng Giao thôngTrần Văn Viễn
Tổng trưởng Công chánhDương Kích Nhưỡng
Tổng trưởng Y tếBác sĩ Trần Minh Tùng
Tổng trưởng Xã hộiBác sĩ Trần Ngươn Phiêu
Tổng trưởng Cựu Chiến binhThiếu tướng Phạm Văn Đổng
Tổng trưởng Lao độngĐàm Sĩ Hiến
Tổng trưởng Phát triển Sắc tộcPaul Nur
Tồng trưởng Tư phápLuật sư Lê Văn Thu

Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tái đắc cử trong cuộc bầu cử ngày 3 tháng 10 năm 1971 trong liên danh với Trần Văn Hương.

Tư pháp

Đứng đầu gành tư phápTối cao Pháp viện nhóm họp lần đầu ngày 22 tháng 10 năm 1968 gồm có 9 thẩm phán với nhiệm kỳ 6 năm do Công tố Viện và Luật sư Đoàn đề cử và Quốc hội bổ nhiệm.[7]

Nhiệm kỳ I (1968-1974), Thẩm phán Trần Minh Tiết được bầu làm Chủ tịch. Nối tiếp là Thẩm phán Trần Văn Linh làm Chủ tịch Nhiệm kỳ II (1974-1975).[8]

Ngoài ra còn có Giám sát Viện quy định trong Hiến pháp với 18 giám sát viên coi việc kiểm tra kế toán các cơ quan chính phủ và điều tra những nghi án tham nhũng, lạm quyền, hoặc biển thủ công quỹ.[9]

Hành chánh địa phương

Việt Nam Cộng hòa được chia thành 44 tỉnh, 237 quận, và 6 thành phố (Đô thành Sài Gòn, Vũng Tàu, Đà Lạt, Cam Ranh, Đà Nẵng, Huế),[9] sau tăng thành 11 thành phố (thêm Rạch Giá, Cần Thơ, Mỹ Tho, Nha Trang, Biên Hòa). Việc điều hành còn bị chi phối bởi quân đội với toàn quốc chia thành 4 quân khu.

Cấp tỉnh thì có Hội đồng Tỉnh và Tỉnh trưởng đứng đầu. Tỉnh trưởng do Tổng thống bổ nhiệm trong khi Hội đồng tỉnh thì do dân chúng bầu lên.[10] Tỉnh trưởng chịu trách nhiệm tài chánh và hành chánh trong tỉnh cùng báo cáo về phủ Thủ tướng và Bộ Nội vụ. Tỉnh trưởng còn có nhiệm vụ chỉ huy lực lượng Địa Phương Quân và Nhân dân Tự vệ.[11]

Ở cấp quận thì có quận trưởng, thường là một quân nhân do tỉnh trưởng đề cử và Bộ Nội vụ bổ nhiệm. Công việc chính của quận trưởng là trông coi vấn đề an ninh và điều hành những dịch vụ như y tế, nông nghiệp, công chánh và thống kê. Quận trưởng còn có quyền xử kiện trong những vụ án tiểu hình.[11]

Làng có Hội đồng Xã quản trị. Thôn làng ít hơn 2.000 người thì bầu hội đồng 6 thành viên trong khi thôn làng hơn 10.000 dân thì có thể lập hội đồng 12 người.[10] Hội đồng xã tự bầu lên xã trưởng. Hội đồng họp mỗi tháng một lần để xét chủ yếu về ngân sách và những đồ án xây dựng. Bắt đầu từ năm 1969 thì xã trưởng quản lý cả những cán sự phát triển nông thôn.[12]

Đảng phái chính trị

Tính đến năm 1970 thì chính trường Miền Nam có chín chính đảng hoạt động chính thức. Đó là:[13]

  1. Việt Nam Nhân xã Cách mạng Đảng
  2. Lực lượng Đại Đoàn kết
  3. Đại Việt Cách mạng Đảng
  4. Việt Nam Quốc dân Đảng, Xứ Đảng bộ Miền Nam
  5. Việt Nam Quốc dân Đảng
  6. Mặt trận Nhân dân Cứu nguy Dân tộc
  7. Phong trào Quốc gia Cấp tiến
  8. Tập đoàn Cựu Chiến sĩ Hòa Hảo Dân xã
  9. Việt Nam Dân chủ Xã hội Đảng